Thứ năm, 12/09/2024, 03:59

Ứng dụng công nghệ trong nuôi biển

Thứ năm - 24/11/2022 02:31
3 năm qua, lồng nuôi trồng thủy sản bằng chất liệu HDPE được triển khai tại huyện Vạn Ninh đã dần khẳng định sự ưu việt so với lồng truyền thống. Tới đây, việc áp dụng công nghệ trong hoạt động nuôi biển sẽ được khuyến khích đẩy mạnh.
Ứng dụng công nghệ trong nuôi biển

Tốt hơn lồng truyền thống

Cuối tháng 10, hàng trăm ngư dân trên toàn tỉnh Khánh Hòa đã tham gia diễn đàn nông nghiệp 4.0 với chủ đề “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển nuôi biển bằng lồng vật liệu mới HDPE” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Tại diễn đàn, các đại biểu được cung cấp những giải pháp hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững, áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình nuôi. Một trong những giải pháp đó là đầu tư hệ thống lồng nuôi trồng thủy sản bằng chất liệu nhựa HDPE với những ưu thế vượt trội về đảm bảo môi trường vùng nuôi và khả năng chống chịu với mưa bão so với bè gỗ truyền thống. Ngoài ra, diễn đàn cũng giới thiệu đến người nuôi trồng thủy sản một số ứng dụng phần mềm quản lý, kiểm soát quá trình nuôi, công nghệ camera quan sát, hệ thống định vị lồng nuôi…

Ông Phương Minh Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, nhằm từng bước hiện đại hóa hoạt động nuôi biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi biển cá dò bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy” trên địa bàn tỉnh. 3 năm qua, đã có 6 lồng tròn được triển khai cho các hộ nuôi trồng thủy sản ở Vạn Ninh. Ông Nguyễn Xuân Hòa, ngư dân kỳ cựu chuyên nuôi cá bớp trong lồng bè ở khu vực biển bãi Bà Lễ (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) cho biết, năm 2020, ông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình nuôi cá bớp trong lồng tròn bằng vật liệu HDPE. So với lồng truyền thống, cá nuôi trong lồng tròn có tốc độ phát triển cao hơn, tỷ lệ hao hụt thấp hơn. Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, dù trải qua một số đợt sóng lớn do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông nhưng cá nuôi trong lồng tròn không bị ảnh hưởng.   

nuoibien

Người nuôi trồng thủy sản ở Vạn Ninh lắp đặt lồng tròn 


Theo các đơn vị cung cấp lồng nuôi trồng thủy sản bằng chất liệu HDPE, lồng tròn đạt chuẩn có đường kính 10m, ống nhựa phi 250 có giá 180 triệu đồng, bao gồm khung lồng, lưới và neo; lồng vuông có kích thước 4mx5m, bao gồm cả đường đi có giá 35 triệu đồng/ô lồng (chưa kể lưới). Các lồng này được bảo hành trong 10 năm và hỗ trợ kỹ thuật, thay thế linh kiện trọn đời. Đây là mức đầu tư không nhỏ nên các hộ nuôi trồng thủy sản đang chuyển đổi dần theo hình thức áp dụng cả lồng HDPE và lồng gỗ. Các hộ mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngư dân trong quá trình chuyển đổi này.


Đẩy mạnh áp dụng công nghệ

Khi lồng nuôi chống chịu được với gió bão lớn, một lo lắng khác của ngư dân cũng sẽ được giải quyết khá triệt để thông qua việc ứng dụng công cụ định vị và hệ thống camera giám sát tại các lồng nuôi. Theo đó, hệ thống này có thể định vị chính xác lồng nuôi đang ở vị trí nào theo thời gian thực, trong trường hợp gió bão quá lớn khiến lồng nuôi trôi dạt cũng có thể dễ dàng tìm kiếm trở lại. Ngoài ra, hệ thống camera hỗ trợ tối đa cho người nuôi quản lý quá trình nuôi của mình. Ông Trương Văn Chinh, người tiên phong trong việc áp dụng camera giám sát lồng nuôi trồng thủy sản HDPE ở Vạn Ninh cho biết:  “Không phải lúc nào tôi cũng có mặt trên lồng nuôi. Do đó, khi lắp đặt camera, thông qua điện thoại thông minh, dù ở nhà tôi cũng có thể giám sát toàn bộ quá trình nuôi thông qua các camera lắp đặt phía trên lồng nuôi và phía dưới mặt nước để theo dõi đàn cá”.


Theo ông Phương Minh Nam, hệ thống định vị và camera giám sát không chỉ giúp ngư dân kiểm soát được quá trình nuôi, đây còn là một thành phần quan trọng nhằm tiến tới việc ghi chép nhật ký nuôi trồng thủy sản, kê khai ban đầu và là một yếu tố để xác định nguồn gốc thủy sản nuôi. Đây cũng là cơ sở để cơ quan nhà nước quản lý, kiểm soát hoạt động nuôi trồng thủy sản của ngư dân một cách thuận lợi, nhanh chóng, chính xác, khoa học.

 

Ông Huỳnh Kim Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Hiện nay, tỉnh đã phê duyệt đề cương chi tiết “Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa”. Một trong những mục tiêu chính của đề án là tập trung chuyển đổi lồng nuôi thủy sản trên biển bằng lồng bè gỗ truyền thống sang nuôi bằng lồng làm bằng vật liệu mới (lồng HDPE kiểu Na Uy) đáp ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, có thể nuôi xa bờ, lồng nuôi chịu được sóng, gió lớn và gắn với bảo vệ môi trường biển bền vững...

 

Hồng Đăng
Theo baokhanhhoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

HỖ TRỢ ONLINE
Kinh doanh 1

Phòng Kinh doanh

Phone number 0931.642.492
Email Zalo Messenger
Kinh doanh 2

Phòng kỹ thuật

Phone number 0977.468.368
Email Zalo Messenger

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây